Vừa qua, vụ việc Zalo bị thanh tra Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM đề xuất việc dừng cung cấp tên miền Zalo.vn và Zalo.me vì đã cung cấp dịch vụ mạng xã hội mà không có giấy phép.
Cụ thể, Zalo đã vi phạm Khoản 4, Điều 23 của Nghị định 72/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, đối với quy định về quản lý việc thiết lập trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội.
Do vậy, Sở TT&TT TP.HCM đã ban hành quyết định xử phạt đối với Zalo theo Khoản 3, điều 63 của Nghị định 174/2013. Theo đó, các doanh nghiệp vi phạm quy định về giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.
Với trường hợp này, dư luận có nhiều ý kiến tranh cãi. Vì sẽ rất khó để có thể phân định rạch ròi giữa việc Zalo là một ứng dụng nhắn tin OTT hay là một mạng xã hội.
Mạng xã hội là gì?
Mạng xã hội (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác” theo Khoản 22, Điều 3 Nghị định 72/2013/NĐ-CP.
Điều kiện thiết lập trang mạng xã hội
Theo quy định tại Khoản 4, Điều 23 Nghị định 72/2013/NĐ-CP: “Tổ chức, doanh nghiệp chỉ được thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, thiết lập mạng xã hội khi có Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp, Giấy phép thiết lập mạng xã hội.”
Quyền và nghĩa vụ của các bên khi sử dụng trang mạng xã hội
Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội
Tổ chức, doanh nghiệp thiết lập mạng xã hội có quyền và nghĩa vụ sau đây:
- Cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho công cộng trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật;
- Công khai thỏa thuận cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội;
- Có biện pháp bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của người sử dụng; thông báo cho người sử dụng về quyền, trách nhiệm và các rủi ro khi lưu trữ, trao đổi và chia sẻ thông tin trên mạng;
- Bảo đảm quyền quyết định của người sử dụng khi cho phép thông tin cá nhân của mình được cung cấp cho tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân khác;
- Không được chủ động cung cấp thông tin công cộng có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP;
- Phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để loại bỏ hoặc ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm quy định tại Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP khi có yêu cầu;
- Cung cấp thông tin cá nhân và thông tin riêng của người sử dụng có liên quan đến hoạt động khủng bố, tội phạm, vi phạm pháp luật khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
- Có ít nhất 01 hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam đáp ứng việc thanh tra, kiểm tra, lưu trữ, cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và giải quyết khiếu nại của khách hàng đối với việc cung cấp dịch vụ theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Thực hiện việc đăng ký, lưu trữ và quản lý thông tin cá nhân của người thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân và người cung cấp thông tin khác trên mạng xã hội theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bảo đảm chỉ những người đã cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định mới được thiết lập trang thông tin điện tử cá nhân hoặc cung cấp thông tin trên mạng xã hội;
- Báo cáo theo quy định và chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Việc báo cáo được thực hiện theo sự hướng dẫn bởi Khoản 2, 3, 4, 5 Điều 9 Thông tư 09/2014/TT-BTTTT.
Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội
Khi sử dụng một trang mạng xã hội thì người dùng có các quyền và nghĩa vụ sau:
- Được sử dụng các dịch vụ trên mạng xã hội;
- Tuân thủ thời gian hoạt động của mạng xã hội;
- Không được kinh doanh lại các dịch vụ của mạng xã hội dưới bất kỳ hình thức nào;
- Tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn thông tin, an ninh thông tin và các quy định khác có liên quan;
- Được sử dụng dịch vụ của mạng xã hội trừ các dịch vụ bị cấm theo quy định của pháp luật;
- Được bảo vệ bí mật thông tin riêng và thông tin cá nhân theo quy định của pháp luật;
- Tuân thủ quy chế quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ mạng xã hội;
- Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập.
Chế tài xử phạt khi doanh nghiệp thiết lập trang mạng xã hội nhưng không có giấy phép
Căn cứ theo Khoản 3, Điều 63 Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định như sau: “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi thiết lập mạng xã hội nhưng không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép hết hạn.”
Như vậy đối với hành vi thiết lập trang mạng xã hội mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt với số tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Đồng thời, trang mạng xã hội đó sẽ bị tịch thu theo quy định tại Khoản 4, Điều 63 Nghị định 174/2013/NĐ-CP.
Căn cứ pháp lý:
Nghị định 72/2013/NĐ-CP
Nghị định 174/2013/NĐ-CP
Cơ chế Sandbox
Giải pháp cho những trường hợp tương tự, nhiều nước đã áp dụng cơ chế Sandbox. Vậy Cơ chế Sandbox là gì?
Bộ TT&TT luôn khuyến khích các doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển, thử nghiệm các cách làm mới, mô hình kinh doanh mới. Đây cũng là lý do mà Bộ TT&TT đang đề xuất việc thực hiện cơ chế sandbox.
Sandbox là khung thể chế thí điểm, cho phép một số doanh nghiệp thử nghiệm các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong môi trường thực tiễn. Việc thí điểm này sẽ được triển khai trong một phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các nhà quản lý nhà nước.
Cơ chế sandbox giúp các doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro về pháp lý khi triển khai những dịch vụ và mô hình kinh doanh mới chưa được quy định cụ thể trong các điều luật.
Với cơ quan quản lý nhà nước, việc thực thi sandbox cho phép các đơn vị này có thời gian để cân nhắc và điều chỉnh các chính sách mới nhằm theo kịp với sự phát triển không ngừng của khoa học công nghệ. Việc triển khai sandbox hứa hẹn sẽ góp phần tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh và môi trường đầu tư thông thoáng hơn.